Ho nhiều là bệnh gì, liệu có nguy hiểm và ảnh hưởng đến sức khỏe hay không? ho nhiều có phải bị hen suyễn không ? Đây là những thắc mắc được nhiều người đặt ra và mong muốn có câu trả lời chi tiết, đầy đủ nhất. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải tình trạng này thì đừng rời khỏi bài viết dưới đây.
Ho nhiều là bệnh gì? Nguyên nhân gây ho?
Ho là một dấu hiệu thường gặp ở con người. Đây được xem là phản xạ tự nhiên hoặc có chủ đích để làm sạch đường thở. Ho được xác định là dấu hiệu khi thở ra mạnh và thường gặp do các nguyên nhân phổ biến như:
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Hội chứng chảy dịch mũi sau
- Đợt cấp hen suyễn hoặc COPD
- Viêm phổi
- Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh nhân ho mạn tính nếu không điều trị kịp thời có thể tiến triển thành ho theo phản xạ hoặc liên quan yếu tố tâm lý. Ho kéo dài cũng sẽ gây tổn thương niêm mạc phế quản, ngày càng trở nặng và khó điều trị.
Nguyên nhân gây ho ở trẻ em và người lớn tương tự nhau, tuy nhiên muốn biết chính xác căn nguyên bệnh ho do đâu thì người bệnh cần phải đến các cơ sở y tế để thăm khám. Ho nhiều không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn gây nên nhiều phiền toái, bất tiện cho người bệnh trong cuộc sống, công việc. Vì thế cần được chẩn đoán và điều trị dứt điểm.
Ho nhiều có thể là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm
Với nhiều trường hợp, người bệnh ho nhiều vào khi ngủ trưa, tối hoặc ho kéo dài, dai dẳng nhiều ngày không dứt. Việc ho nhiều có thể được xem là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh như:
- Hen suyễn: Đa phần các bệnh nhân mắc hen suyễn đều gặp phải các vấn đề về hô hấp. vì thế, ho, thở rít là những triệu chứng tái đi tái lại mà người bệnh thường gặp phải. Nhất là khi về đêm, khi trời trở lạnh hoặc người bệnh gặp phải các tác nhân gây nên dị ứng kích thích.
- Viêm xoang: Những người mắc bệnh viêm xoang cũng có thể gặp phải tình trạng ho nhiều. Lý do là vì ban ngày dịch nhầy ở cổ họng có thể được bệnh nhân xì ra hoặc trôi xuống theo đường tiêu hóa. Ban đêm, dịch sẽ ứ ở cổ họng và gây ho. Người bệnh viêm xoang khi ngủ có thể phải thở bằng miệng, dễ ho rát khi đêm về
- Trào ngược axit: Đây là bệnh gây ho, còn được gọi là GERD. Người bệnh khi mắc sẽ gặp phải các triệu chứng như ợ nóng, dạ dày dễ trôi ngược lên vào phổi và gây ho.
Cần làm gì khi ho nhiều, dai dẳng?
Rất khó để có thể xác định chính xác ho nhiều là bệnh gì nếu người bệnh không thăm khám tại các cơ sở y tế. Chính vì thế, việc cần làm nhất khi gặp tình trạng ho nhiều đó là hãy đến trung tâm y tế, bệnh viện để được đội ngũ y bác sĩ chuyên khoa thăm khám.
Đánh giá tiền sử bệnh
Các bác sĩ sẽ khai thác tần suất cơn ho, triệu chứng ho (ho đờm, ho ra máu hay ho khan…), có kèm các dấu hiệu khác như khó thở, đau ngực hay không. Bên cạnh đó, bạn cũng nên báo cho bác sĩ về các yếu tố kích phát cơn ho nếu có. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi bệnh nhân có bị các bệnh về nhiễm trùng hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản… gần đây hay không.
Thăm khám
Sau khi đánh giá tiền sử bệnh, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám các dấu hiệu sinh tồn, khám tai mũi họng để xem niêm mạc mũi, dịch mũi, khám tai để tìm các yếu tố kích thích gây phản xạ ho.
Phân tích triệu chứng: Dựa vào các triệu chứng cơn ho, đấu hiệu về đờm, dịch ở cổ họng sẽ giúp các bác sĩ phân biệt căn nguyên gây nên ho do vi khuẩn với các căn nguyên khác.
Xét nghiệm
Nếu người bệnh ho nhiều kèm theo những dấu hiệu báo động như khó thở, ho ra máu, thì cần phải đo sp02, chụp X quang phổi hoặc làm các xét nghiệm lâm sàng để tìm ra nguyên nhân.
Trong trường hợp bệnh nhân ho mãn tính, ho khan kéo dài, điều trị kháng sinh không hiệu quả thì cần phải tiến hành chụp X- quang lồng ngực, đo chức năng hô hấp… Nhìn chung, các bác sĩ sẽ dựa trên những gì đã khai thác, thăm khám để chỉ định người bệnh làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết.
Điều trị ho nhiều như thế nào?
Ho là một cơ chế quan trọng để làm sạch các chất bài tiết, góp phần hỗ trợ phục hồi đường thở sau nhiễm trùng hô hấp. Chính vì thế, khi chưa biết nguyên nhân cơn ho xuất phát từ đâu, hay nói một cách cụ thể hơn là bệnh tình bạn đang gặp phải thì tốt nhất cần phải khám ở chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác rồi hãy nghĩ đến việc chọn phương án điều trị.
Thuốc chống ho có thể được dùng cho bệnh nhân mắc bệnh nhiễm trùng hô hấp trên hoặc đã được điều trị nhưng không hiệu quả, vẫn gặp tình trạng ho nhiều. Thuốc chống ho có thể chỉ định cho một số bệnh nhân ho mạn tính do phản xạ hoặc do yếu tố tâm lý, những bệnh nhân ho quá nhiều có thể gây nên thương tổn cho niêm mạc phế quản.
Một số loại thuốc có thể được kê đơn cho người đang gặp tình trạng ho nhiều:
- Thuốc giảm ho: gây ức chế trung tâm ho ở hành não, gây tê các thụ thể bề mặt của sợi thần kinh trong phế quản và phế nang.
- Thuốc long đờm: Giúp làm giảm độ quánh của đờm, giúp bệnh nhân dễ dàng đẩy hết đờm ra ngoài
- Siro điều trị ho: Được làm từ những thảo dược thiên nhiên
- Thuốc giãn phế quản: Albuterol và ipratropium hoặc corticosteroid hít sẽ mang lại hiệu quả cho bệnh nhân ho sau nhiễm trùng hô hấp trên, hen phế quản.