Viêm phế quản là một bệnh hô hấp tương đối phổ biến. Vì vậy, khi biết được nguyên nhân bị viêm phế quản sẽ giúp chúng ta có sự chuẩn bị tốt để bảo vệ đường hô hấp của mình hơn. Hãy cùng Kisho Asma tìm hiểu về viêm phế quản nhé.
Viêm phế quản là gì?
Viêm phế quản là một bệnh lý thuộc về đường hô hấp, cụ thể là ở phế quản. Tại ống phế quản của chúng ta có một lớp niêm mạc. Khi lớp niêm mạc này bị viêm sẽ dẫn tới hiện tượng viêm phế quản. Bệnh này gồm 2 loại, bao gồm:
- Viêm phế quản cấp tính: Thời gian bệnh thường ngắn, khoảng 1 vài tuần
- Viêm phế quản mãn tính: Thời gian bệnh kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
Triệu chứng của viêm phế quản?
Viêm phế quản có những dấu hiệu đặc trưng khá dễ nhận biết, như sau:
- Một trong những triệu chứng phổ biến nhất đó chính là ho hoặc ho có đờm. Tình trạng này có thể xảy ra dai dẳng, ho trong nhiều ngày không khỏi
- Khó thở, tức ngực dẫn đến thở khò khè, mệt nhọc
- Mệt mỏi, sốt đến sốt cao, luôn cảm thấy ớn lạnh
Viêm phế quản có những triệu chứng dễ nhận biết
Nguyên nhân bị viêm phế quản
Sau khi tìm hiểu viêm phế quản là gì và triệu chứng của bệnh, bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguyên nhân nhé.
Nguyên nhân bị viêm phế quản cấp tính
Đây có thể được xem là một bệnh truyền nhiễm vì tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn hoặc virus. Vì vậy mà nó có khả năng lây lan qua không khí khi chúng ta tiếp xúc gần với người bệnh. Trong nước bọt, đờm của bệnh nhân sẽ chứa ổ vi khuẩn, virus. Hành động ho hoặc hắt hơi sẽ phát tán chúng ra xung quanh.
Nguyên nhân bị viêm phế quản mãn tính
Khi bị viêm phế quản cấp tính nhưng không được chữa khỏi dứt điểm. Hoặc người bệnh tiếp tục hút thuốc lá trong thời gian dài, tiếp xúc nhiều với không khí, hóa chất ô nhiễm thì rất dễ dẫn đến viêm phế quản mãn tính. Lúc này, các ống phế quản sẽ bị kích thích liên tục. Khi bệnh dần dần nghiêm trọng, bạn có thể mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Virus và vi khuẩn là tác nhân gây viêm phế quản cấp tính
Những ai có thể mắc viêm phế quản?
Tất cả mọi người dù ở lứa tuổi nào hay giới tính nào đều có nguy cơ mắc viêm phế quản. Đây không phải là một bệnh hiếm gặp. Nhưng những đối tượng sau đây có tỉ lệ mắc viêm phế quản rất cao:
- Những ai nghiện thuốc lá
- Người lớn tuổi dễ bị nhiễm trùng hơn
- Những người sinh sống trong môi trường nhiều khói bụi, không khí ô nhiễm.
- Những người làm các ngành nghề phải làm việc với các nguyên liệu có thể kích thích đường hô hấp như vải, bông dệt, hóa chất
- Những người có sức đề kháng yếu
- Những người mắc các bệnh mãn tính, hệ thống miễn dịch bị suy giảm sẽ dễ mắc viêm phế quản hơn
- Bệnh này cũng rất thường gặp ở trẻ em. Các bậc phụ huynh cần đặc biệt lưu ý. Các bệnh về hô hấp như viêm đường hô hấp trên, cúm, cảm, sổ mũi,… (do virus gây ra) không được phát hiện và xử lý sớm sẽ dễ dàng chuyển thành viêm phế quản. Nếu con bạn đang phải sống trong môi trường ô nhiễm hoặc giai đoạn chuyển mùa thì cần chú ý cẩn thận
Hướng điều trị viêm phế quản
Khi có các dấu hiệu bệnh, bạn cần đến ngay các cơ sở y tế để chẩn đoán bệnh. Dựa theo mức độ bệnh của từng cá nhân mà bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp. Những loại thuốc thường được dùng để điều trị viêm phế quản:
- Thuốc ho để dứt các cơn ho. Tránh việc ho kéo dài gây tổn thương cổ họng
- Nếu bệnh nhân có nguy cơ nhiễm khuẩn hoặc bội nhiễm vi khuẩn sẽ được kê kháng sinh
- Một số loại thuốc giảm viêm và dị ứng có thể được kê tùy vào tình trạng bệnh
- Đối với viêm phế quản mãn tính: Ngoài việc dùng thuốc, bệnh nhân còn được lên phác đồ điều trị bằng các bài thể dục phục hồi chức năng giúp dễ thở hơn
Phòng ngừa viêm phế quản không phải là việc khó
Phòng ngừa viêm phế quản như thế nào?
Việc phòng ngừa viêm phế quản không phải là quá khó.
- Nếu cảm thấy bản thân có nguy cơ mắc viêm phế quản cao, bạn không nên tiếp xúc quá gần với những ai đang bị bệnh này, hay cảm, cúm,…
- Giữ môi trường sống luôn sạch sẽ, hạn chế bụi bẩn
- Không hút thuốc và cũng không nên tiếp xúc với khói thuốc bị động
- Nên đeo khẩu trang khi đi ngoài đường
- Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để loại bỏ vi khuẩn, virus.
- Đối với trẻ em: Hãy nhớ luôn giữ ấm cho trẻ. Khi thấy trẻ có các dấu hiệu như ho, cảm lạnh, viêm mũi họng,… cần đưa trẻ đi điều trị sớm để không biến chứng
Bài viết này đã khái quát các thông tin về viêm phế quản, bao gồm cả nguyên nhân bị viêm phế quản. Mong rằng các bạn đã hiểu hơn về bệnh này để có thể ngừa bệnh một cách tốt nhất. Chúc các bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!