Nguyên nhân và dấu hiệu của viêm phế quản
Viêm phế quản là bệnh lý thường gặp nhất trong các bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và dấu hiệu của viêm phế quản qua bài viết này!
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản
Viêm phế quản là gì?
Phế quản là một đường ống dẫn khí nằm trong hệ hô hấp dưới của con người. Đây chính là cơ quan nối tiếp bên dưới khí quản, sau đó phân thành các nhánh nhỏ sâu bên trong lá phổi và hình thành cây phế quản. Nhiệm vụ chính của phế quản là dẫn khí vào phổi.
Viêm phế quản là tình trạng viêm niêm mạc ống phế quản. Các tổn thương trong niêm mạc này sẽ dẫn đến các triệu chứng như: ho khan, ho có đờm, sốt…
Bệnh viêm phế quản được chia thành 2 thể: cấp tính và mãn tính.
- Viêm phế quản cấp tính: Ở giai đoạn bệnh cấp tính, tình trạng viêm nhiễm chỉ xảy ra ở niêm mạc phế quản chưa có sự tổn thương, nguyên nhân gây ra chủ yếu là do virus. Bệnh thường diễn biến lành tính, không để lại di chứng nghiêm trọng.
- Viêm phế quản mãn tính: Giai đoạn này chính là sự phát triển xấu đi của thể bệnh cấp tính. Phổi sẽ liên tục bị kích thích, sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm khác (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phế quản, ưng thư phổi hoặc lao phổi). Viêm phế quản mãn tính sẽ kéo dài trong thời gian dài, từ vài tháng đến vài năm. Mức độ ảnh hưởng và biến chứng của thể bệnh mãn tính nghiêm trọng hơn với cấp tính rất nhiều.
BS.CKII Trần Vũ Minh Phát nói rằng: “Chính vì vậy, người bệnh viêm phế quản mãn tính không nên chủ quan, cần thường xuyên đi khám và tuyệt đối tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ để hạn chế tối đa nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm”.
Đa số người nhiễm bệnh viêm phế quản hiện nay là do virus hoặc nhiễm trùng vi khuẩn.
Một số nguyên nhân gây bệnh phổ biến khác
- Các tác nhân từ môi trường: bụi bẩn, ô nhiễm không khí, khói thuốc lá… gây tổn thương đường hô hấp, dẫn đến viêm phế quản.
- Đề kháng kém cũng là nguyên nhân, điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn tấn công gây nên bệnh. Với những người đang mắc các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm thì càng dễ dàng mắc viêm phế quản. Người mắc bệnh do nguyên nhân này đa số là người cao tuổi, trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh.
- Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích phổi, nguồn không khí độc hại (hóa chất, khí bụi…).
- Ảnh hưởng của bệnh lý trào ngược dạ dày: Người bị bệnh trào ngược dạ dày kéo dài, sự lặp đi lặp lại của tình trạng ợ chua, ợ nóng gây kích thích vòm họng, tổn thương ống phế quản.
Triệu chứng và các dấu hiệu của viêm phế quản
Dấu hiệu của bệnh viêm phế quản
Biểu hiện của viêm phế quản cấp thường dễ nhận biết. Bệnh sẽ thường xuất hiện sau một đợt cảm cúm, cảm lạnh. Dưới đây là các dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh:
- Ho: Triệu chứng nổi bật nhất của bệnh viêm phế quản là ho.
- Sốt: Người bệnh viêm phế quản có thể sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, thậm chí sốt cao. Các cơn sốt có thể theo từng cơn hoặc liên tục kéo dài.
- Tiết đờm: Đờm tiết ra ở đường hô hấp là phản ứng bị viêm, đờm có màu sắc xanh, vàng hoặc trắng.
- Thở khò khè: Do lòng phế quản bị thu hẹp nên thành phế quản bị phù nề, gây co thắt cơ trơn phế quản. Không khí khi đi qua khe hẹp ở phế quản sẽ phát ra tiếng khò khè.
- Đa số những trường hợp người bị viêm phế quản cấp tính sẽ xuất hiện những triệu chứng cảm lạnh như nhức đầu, đau nhức, mệt mỏi kèm theo ho kéo dài vài ngày sau khi triệu chứng viêm đã hết.
Đối với viêm phế quản mãn tính, có lẽ cần mất nhiều thời gian trước khi tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Ở thời điểm này, các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên xấu hơn, người bệnh thậm chí có thể bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính.
Nên gặp bác sĩ nếu bạn ở những trường hợp sau:
- Ho nặng, kéo dài hơn 20 ngày.
- Ho nặng hơn, kèm theo sốt mới hoặc sốt cao, đờm dày hoặc đổi màu sẫm.
- Đau tức ngực khi ho, ho ra máu.
- Ho kèm theo sụt cân không rõ lí do.
- Ho trên người có bệnh nền tim, phổi mãn tính.
- Ho nhiều, kéo dài ở người cao tuổi, trẻ nhỏ.
- Cơ thể mệt mỏi, xuất hiện các triệu chứng như đau cơ dữ dội, đổ mồ hôi, ớn lạnh.
Viêm phế quản có lây không?
Một trong những nguyên nhân chính khiến viêm phế quản trở thành bệnh phổ biến là do lây lan. Theo các nghiên cứu, loại virus hợp bào gây ra bệnh viêm phế quản rất dễ lây lan, phát tán trong không khí. Trong trường hợp không được kiểm soát chặt chẽ, virus này có thể trở thành dịch.
Viêm phế quản lây theo 2 con đường:
- Tiếp xúc trực tiếp giữa người bình thường và người bệnh, dẫn đến nhiễm bệnh thông qua con đường dịch tiết đường hô hấp.
- Lây lan qua các vật dụng cá nhân của người nhiễm bệnh. Các nghiên cứu cho thấy rằng, virus hợp bào có khả năng sống sót đến vài giờ trong đồ dùng cá nhân hoặc các bề mặt vật mà người bệnh tiếp xúc.